Giới Thiệu Về Ngành Quan Hệ Công Chúng

line
16 tháng 06 năm 2021

Trong công tác đào tạo, Trường Đại học Văn Hiến đã có một bề dày lịch sử, thành quả đáng tự hào. Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Trường Đại học Văn Hiến hiện đang liên tục phát triển và mở rộng mạnh mẽ, với nhiều ngành học đáp ứng nhu cầu về sự phát triển của xã hội, một trong các ngành đó là ngành Quan hệ Công chúng. Tất cả cán bộ, giảng viên của Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, trong đó bao gồm giảng viên ngành Quan hệ công chúng, luôn ý thức rèn đức luyện tài thể hiện qua việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các giảng viên đều có bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành; có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá cao. Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng, vị thế của bộ môn/khoa, nhu cầu học tập của sinh viên, bộ môn còn mời rất nhiều giảng viên thỉnh giảng có học hàm, học vị, kinh nghiệm chuyên môn lẫn thực tiễn từ các trường đại học, giảng viên đang công tác tại các cơ sở truyền thông, các công ty tổ chức sự kiện, các cơ quan báo, tạp chí, hãng thông tấn, đài phát thanh, đài truyền hình, các công ty truyền thông tham gia giảng dạy và hướng dẫn khóa luận, thực tập, thực tế cho sinh viên.

Danh sách cán bộ, giảng viên cơ hữu của ngành Quan hệ công chúng:

1. ThS. Nguyễn Thị Hồng Thủy - Trưởng bộ môn

2. TS. Phạm Quốc Hưng – Giảng viên

3. ThS. Trần Thị Lợi – Giảng viên

4. ThS. Phạm Thị Hương - Giảng viên

Trở thành sinh viên của ngành Quan hệ Công chúng, sinh viên được trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng linh hoạt và thái độ tích cực; có phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống lành mạnh; có tác phong làm việc kỷ luật, khoa học, sáng tạo; có tinh thần cầu tiến trên cơ sở nhận thức đầy đủ về vai trò - vị trí xã hội của người làm truyền thông; có khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực có chất lượng, khả năng làm chủ công nghệ và có khả năng thích ứng với nhiều môi trường làm việc khác nhau.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho sinh viên có một công việc tốt, đúng chuyên môn sau khi ra trường, ngoài việc học trên lớp, Ngành Quan hệ công chúng trong quá trình đào tạo còn hướng trọng tâm vào thực hành kỹ năng nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học. Bộ môn đã thiết lập các mối quan hệ với các doanh nghiệp, công ty, các cơ quan báo, tạp chí, hãng thông tấn, đài phát thanh, đài truyền hình và các công ty truyền thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận giúp sinh viên có được những địa chỉ thực tế, thực tập nghề nghiệp đáng tin cậy. Song song với việc thực hành kỹ năng nghề nghiệp là hoạt động phong trào và nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên tự mình rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, hình thành và phát triển nhân cách, thích ứng tốt với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp ra trường.

CƠ HỘI VIỆC LÀM SAU KHI TỐT NGHIỆP

-  Làm các công việc như phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng, tổ chức sự kiện, tổ chức truyền thông nội bộ tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức kinh tế, quốc tế và các tổ chức xã hội, phi chính phủ;

-  Các cơ quan báo chí – truyền thông: phóng viên, biên tập viên, thông tín viên, bình luận viên, phát thanh viên, người sản xuất chương trình, người dẫn chương trình, chuyên viên quảng cáo, chuyên viên đối ngoại, cộng tác viên tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng thông tấn, đài phát thanh, đài truyền hình và các kênh truyền thông;

-  Các công ty, tổ chức: thông tin viên, chuyên viên tổ chức sự kiện, chuyên viên quảng cáo, chuyên viên giao tế cộng đồng (PR), chuyên viên đối ngoại, chuyên viên marketing kỹ thuật số;

-  Đảm nhận các công việc như trợ lý phân tích và lập báo cáo về môi trường truyền thông đối nội và đối ngoại của đơn vị; trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông trong kinh doanh, phát triển đội ngũ nhân sự, xây dựng và phát triển thương hiệu. Làm việc tại các công ty, tổ chức tư vấn quản trị truyền thông doanh nghiệp, các Bộ và Sở, Ban, Ngành liên quan đến truyền thông;

-  Nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến truyền thông, quan hệ công chúng, trợ lý giảng dạy; Tương lai có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp, nhà quản lý trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về truyền thông.

Ngành Quan hệ công chúng của Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Trường Đại học Văn Hiến không ngừng phát huy triết lý giáo dục của nhà trường: “Thành nhân trước thành danh”. Chính điều này đã giúp Ngành Quan hệ công chúng không chỉ chiếm được niềm tin, sự lựa chọn của các thế hệ sinh viên mà còn đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực của xã hội.

Các tin liên quan