Phát triển kỹ năng giao tiếp cho sinh viên

line
Communication skill is one of the necessary skills for the present students but some students have not yet been really interested in this problem. Many students have not yet clearly presented a problem, his view in front of the class. Some students think that they only focus on the specialized knowledge without communication skill. So, concentration on both the specialized knowledge and the development of the communication skill are necessar for the students.

Kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng cần thiết cho sinh viên hiện nay nhưng một số sinh viên vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này. Nhiều sinh viên vẫn không thể trình bày rõ ràng một vấn đề, quan điểm của mình trước lớp. Có những sinh viên cho rằng chỉ cần tập trung vào chuyên môn mà không cần đến kỹ năng giao tiếp. Vì vậy, bên cạnh chuyên môn cần chú trọng phát triển kỹ năng giao tiếp cho sinh viên.

Trong thời đại hiện nay, kinh tế - xã hội đang phát triển mạnh và hội nhập với thế giới toàn cầu thì việc sinh viên trang bị cho bản thân kiến thức chuyên môn vững vàng là điều cần phải làm nhưng liệu rằng kiến thức chuyên môn thật tốt có mang lại thành công cho mỗi sinh viên khi ra trường? Bên cạnh những sinh viên ý thức được tầm quan trọng của giao tiếp và luôn rèn luyện, học hỏi, thậm chí tham gia các khóa đào tạo bên ngoài trường về kỹ năng giao tiếp thì một bộ phận không nhỏ sinh viên hầu như chưa chú tâm để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, chưa chuẩn bị cho mình hành trang trong cuộc sống hằng ngày và sau khi rời giảng đường đại học.Chính việc không ý thức về tầm quan trọng của giao tiếp đã khiến cho kỹ năng giao tiếp của sinh viên còn yếu, rất nhiều các bạn trẻ không biết cách bắt đầu một câu chuyện dù là đơn giản nhất, không biết ứng xử và thể hiện thế mạnh của mình khi đứng trước nhà tuyển dụng hay viết một lá đơn xin việc như thế nào. Từ đó, chính các bạn đã không trình bày được ý tưởng, kinh nghiệm, cũng như năng lực,…một cách hiệu quả trước người khác. Vậy kỹ năng giao tiếp có thực sự cần thiết, quan trọng đối với mỗi sinh viên và làm thế nào để phát triển kỹ năng giao tiếp?

1. Kỹ năng giao tiếp là gì?

Kỹ năng giao tiếp là khả năng vận dụng hiệu quả các tri thức và kinh nghiệm về giao tiếp, các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ vào những hoàn cảnh khác nhau của quá trình giao tiếp nhằm đạt được mục đích giao tiếp [1; tr 112].

Như vậy giao tiếp không chỉ đơn thuần là nói chuyện với ai đó (hay với nhiều người) thì sẽ mang lại kết quả như ta mong đợi. Giao tiếp còn bao hàm rất nhiều vấn đề khác như: Nói như thế nào? Hiểu đối tượng giao tiếp với mình như thế nào? Làm thế nào để hai bên có thể hiểu rõ về các thông tin cùng trao đổi? Làm thế nào để lần giao tiếp đó đạt được kết quả như mong đợi…? Vì vậy, kỹ năng giao tiếp liên quan tới nhiều hoạt động, từ kỹ năng lắng nghe, kỹ năng nói, kỹ năng kiềm chế cảm xúc đến kỹ năng viết,.. kết hợp với tư thế, cử chỉ, động tác để diễn tả quan điểm và mục đích của vấn đề muốn đề cập.

Kỹ năng giao tiếp hình thành qua các con đường như những thói quen ứng xử được xây dựng trong gia đình; do vốn sống, kinh nghiệm cá nhân qua tiếp xúc với mọi người, trong các quan hệ xã hội; do rèn luyện trong môi trường qua các lần thực hành giao tiếp [1; tr 111].

Giao tiếp luôn gắn với mỗi người chúng ta suốt cả cuộc đời và có ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ trong công việc, trong cuộc sống. Do đó, có được kỹ năng giao tiếp tốt không chỉ cần thiết đối với sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường mà còn giúp cho họ tự tin hơn khi bước vào công việc sau này.

2. Thực tế về kỹ năng giao tiếp của sinh viên hiện nay

“Hiện có tới 83% sinh viên tốt nghiệp được đánh giá là thiếu kỹ năng mềm, 37% không tìm được việc làm phù hợp vì nhiều nguyên nhân - trong đó do thiếu yếu tố kỹ năng là chủ yếu. Còn theo thống kê từ Viện Khoa học Lao động (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội), cứ 2.000 hồ sơ xin việc được nộp vào các doanh nghiệp thì chỉ có 40 hồ sơ đạt yêu cầu. Một cán bộ nhân sự ngân hàng Vietcombank cũng bộc bạch: Tôi rất bức xúc khi thấy không ít bạn sinh viên thực tập, hoặc sinh viên mới ra trường, dù đã được huấn luyện trước, nhưng hình  như không có ý thức mở một nụ cười và lời chào thân thiện khi gặp những đồng nghiệp đi trước trong cơ quan” [4]. Điều này cho thấy kỹ năng giao tiếp đóng một vai trò không nhỏ cho mỗi thành công của con người và thiếu kỹ năng giao tiếp đã làm cho sinh viên “mất điểm” trước nhà tuyển dụng dù kiến thức chuyên môn có thật sự vững vàng.

Nhưng thực tế cho thấy nhiều sinh viên hiện nay khi giao tiếp với mọi người xung quanh (ngay cả những thầy cô trong trường) cũng đang thiếu hẳn những câu thưa gởi và thường sử dụng câu thiếu chủ ngữ,… Trong thư viện hay ở phòng thâu ngân, không ít sinh viên chỉ nói gọn lỏn “cho trả sách”, “cho đóng tiền”; hay khi khoa mời một số chuyên gia nói chuyện chuyên đề về nghề nghiệp, giúp đỡ sinh viên làm quen với thực tế và những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp thì sau đó rất ít sinh viên còn liên hệ với các chuyên gia để cảm ơn, tạo lập, duy trì mối quan hệ (dù các chuyên gia sau khi nói chuyện đều cho email, số điện thoại để sinh viên liên hệ). Chính việc chủ động liên hệ để cảm ơn, tạo lập mối quan hệ giao tiếp với các chuyên gia là sinh viên đã biết tạo ra hiệu ứng xác lập hình ảnh cho bản thân và tạo ra sự lưu luyến trong quá trình giao tiếp,…

Bên cạnh đó, vấn đề “ngại nói” của sinh viên cũng là điều đáng bàn. Trong giờ học, khi thầy cô giảng bài thì một số sinh viên ngồi phía sau nói chuyện riêng nhưng khi cho thảo luận, đặt câu hỏi chỉ có vài sinh viên tích cực trong khi số còn lại ngồi im, không phát biểu ý kiến: “Em không tự tin nên em rất ngại phát biếu, em vẫn ngồi im cho dù em biết”, “em chỉ muốn nói là em rất ngại đứng nói trước đám đông”,…. Vì vậy, một số sinh viên khi có thắc mắc hay có một vài điểm chưa hiểu trong bài học cũng “ngại” bày tỏ với giảng viên và cuối cùng là “chỗ nào chưa hiểu thì vẫn không hiểu”. Có nhiều bạn khi được gọi tên đứng lên lại không thể diễn đạt được một câu rõ ràng, cứ lắp ba lắp bắp “không phải em sợ cô đâu nhưng cứ tới môn này em lo cô gọi tới tên mình là run lắm” và không có thói quen phát biểu ý kiến, trình bày quan điểm. Việc thiếu tự tin đã làm cho sinh viên lo sợ rằng mình phát biểu sai, nói không đúng,… Vậy thì làm sao những sinh viên đó có thể thành công khi được phỏng vấn mà không thể trình bày mạch lạc những câu hỏi trước nhà tuyển dụng; các bạn làm sao có thể tự tin trình bày những sáng tạo trong công việc, kế hoạch, dự án của mình trước mọi người. Điều đó cho thấy, sinh viên đang thiếu cả kỹ năng lắng nghe và diễn đạt ý kiến trước mọi người: không nghe để thu thập thông tin, hiểu vấn đề và không diễn đạt được ý kiến trước mọi người, “ngại” phát biểu trong học tập đã trở thành một lối mòn.

Một số sinh viên lại thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc khi giao tiếp với người khác. Vì vậy, các bạn đã làm tổn thương người khác trong giao tiếp, làm giảm giá trị của chính mình như trường hợp của H “Gần đây, do xích mích với một sinh viên quê Thanh Hóa, H. (sinh năm 1993), sinh viên khoa cơ học kỹ thuật và tự động, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) lập ra “Hội những người ghét dân Thanh Hóa” trên mạng xã hội Facebook với nhiều lời lẽ kích động, xúc phạm. Hành động này đã gây mâu thuẫn giữa H với nhiều bạn trẻ khi lời qua tiếng lại một cách phản cảm trên mạng. Sự việc đẩy lên đỉnh điểm khi hàng trăm bạn trẻ (chủ yếu quê Thanh Hóa) kéo đến, vây kín cổng ký túc xá Đại học Quốc gia Hà Nội để gặp H. Chỉ khi rõ danh tính và phải đối mặt với kỷ luật thôi học, H. mới nhận ra sai lầm và xin lỗi cộng đồng người Thanh Hóa” [3].

Vấn đề “viết” của sinh viên cũng là điều cần quan tâm. Một số sinh viên không thể viết rõ ràng cái đơn gởi lên khoa, phòng hay trường khi có một vấn đề nào đó cần đến; không thể trình bày được cái thư cảm ơn đối với các vị chuyên gia đã truyền đạt những kinh nghiệm và giúp đỡ các bạn. Khi các bạn viết một lá đơn thì lỗi thường gặp là sai chính tả, chữ viết cẩu thả, chữ hoa, chữ thường viết tùy tiện, viết tắt vô tội vạ… và không nêu bật được điều cần khi gởi đơn. Vì vậy, khi gởi hồ sơ xin việc (một số nơi tuyển dụng yêu cầu đơn xin việc phải viết tay) chính sinh viên đã bị loại ngay từ đầu khi có những đơn xin việc như thế: “1/2 nhà tuyển dụng được hỏi đã cho biết, họ sẽ cho điểm số cao đối với những ứng viên có kỹ năng viết tay tốt; Đa số ứng viên không vượt qua được ngưỡng phỏng vấn ban đầu, không phải do thiếu kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực ứng tuyển, mà là do đơn xin việc viết tay của họ quá kém cỏi. 3,1 tỷ đô la là số tiền mà các công ty Mỹ phải chi ra hàng năm chỉ để nâng cao kỹ năng viết tay cho công nhân viên” [5]. Điều đó cho thấy kỹ năng viết là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, trong công việc.

Ngoài ra, sinh viên cũng cần chú ý vấn đề trang phục khi giao tiếp, khi đến giảng đường, khi đi xin việc. Các trang phục quần ngố, quần lửng, áo ngắn trước ngắn sau,… đang được một số sinh viên “vô tư” đem vào lớp học, có sinh viên đi phỏng vấn xin việc với bộ trang phụcquần jeans, áo pull mà quên rằng trang phục cũng là “bộ mặt” của nhân cách con người, cũng thể hiện sự tôn trọng bản thân và cả những người xung quanh.

3. Để phát triển kỹ năng giao tiếp cho sinh viên

Để có kỹ năng giao tiếp tốt thì sinh viên phải nắm vững kiến thức trong lĩnh vực này và không ngừng luyện tập, vận dụng trong thực tiễn để việc giao tiếp được tốt hơn. Chính sinh viên phải ý thức được tầm quan trọng của giao tiếp đối với bản thân, học tập, công việc và nhận ra những điểm yếu của mình để luôn trau dồi chứ không chỉ “trường dạy gì em học nấy”. Vì vậy, trong giao tiếp hằng ngày, bản thân sinh viên phải chú ý rèn luyện cách nói năng, cách viết đơn từ, sử dụng ngôn ngữ phù hợp, biết tạo lập và nuôi dưỡng các mối quan hệ, rèn luyện qua quan sát con người, qua tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình sống để hiệu quả giao tiếp ngày càng tốt hơn.. Hơn nữa, sinh viên cũng cần phải quan tâm lựa chọn trang phục phù hợp với hình thể, với môi trường giao tiếp,… để đẹp hơn trong mắt mọi người, tạo được thiện cảm khi giao tiếp với mọi người.

Để phát triển sự tự tin, kỹ năng nghe và nói, trình bày quan điểm của mình trước mọi người, bản thân sinh viên phải ý thức được điểm yếu của mình bằng việc tập trung chú ý trong khi thầy cô giảng bài để hiểu vấn đề, thu thập được thông tin về vấn đề thầy cô đang giảng thì mới có thể liên hệ để phân tích, diễn đạt ý kiến khi phát biểu. Khi lắng nghe, sinh viên sẽ phát hiện được vấn đề mình hiểu, vấn đề còn chưa rõ trong bài học từ đó sẽ phản hồi, đặt câu hỏi để hiểu tốt hơn. Đồng thời, để phát triển kỹ năng lắng nghe, sinh viên không chỉ tập trung chú ý khi thầy cô giảng bài mà còn rèn luyện cả trong giao tiếp hằng ngày để thu thập thông tin, hiểu tâm tư, momg muốn,… của người khác đồng thời thể hiện sự tôn trọng những người đang cùng giao tiếp với mình, từ đó quá trình giao tiếp sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.

Đối với kỹ năng nói, sinh viên tập đưa ra ý kiến, quan điểm khi làm việc nhóm, thảo luận học tập trên lớp sẽ giúp ích cho bản thân rất nhiều. Lúc đầu, sinh viên có thể đưa ra ý kiến, quan điểm của mình trong nhóm nhỏ (vài người khi thảo luận) rồi dần dần mở rộng ra trình bày trước nhiều người hơn và sau đó là phát biểu, thuyết trình trước lớp. Các bạn cũng không ngừng rèn luyện khả năng giao tiếp của mình thông qua các hoạt động đoàn. Chính sinh viên cũng phải chủ động trong việc tìm gặp giảng viên khi cần đến sự hướng dẫn để nâng cao năng lực bản thân, không ngừng trao đổi xin góp ý của giảng viên để hoàn thiện khả năng của mình.

Bên cạnh đó, giảng viên khi giảng dạy cũng khuyến khích, động viên sinh viên rèn luyện kỹ năng diễn đạt ý kiến trước mọi người bằng cách lắng nghe không phê phán, không đánh giá khi sinh viên phát biểu ý kiến, thay vì để sinh viên tự nguyện thuyết trình bài của nhóm thì chỉ định sinh viên lên thuyết trình và sau đó trong phần tổng hợp giảng viên khéo léo để sinh viên nhận ra cái gì đúng, cái gì sai. Trước khi giao bài thuyết trình cho sinh viên làm nhóm, giảng viên cũng nên hướng dẫn sinh viên cách làm một bài thuyết trình, cách trình bày như thế nào. Từ đó, sinh viên sẽ biết cách giải quyết, phối hợp các thành viên trong nhóm để làm tốt bài tập thầy cô giao.

Các trường cũng nên chú trọng giảng dạy kỹ năng giao tiếp cho sinh viên tất cả các khoa (chứ không chỉ ở một số khoa như hiện nay) và giảng dạy về giao tiếp không chỉ bằng những kiến thức lý thuyết khô cứng mà phải để sinh viên thực hành bằng chính các tình huống trong thực tế hay các tình huống trên lớp, diễn kịch, sắm vai,… để sinh viên học tập một cách chủ động, từ đó có ý thức rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngày một hoàn thiện và tốt hơn.

Ngoài ra, nhà trường cũng như các khoa có thể tổ chức những hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên phát triển kỹ năng của mình như: các câu lạc sinh hoạt về nghề nghiệp, các sinh hoạt chuyên đề,… qua đó sinh viên sẽ có điều kiện để giao tiếp, phát triển kỹ năng giao tiếp và tạo lập các mối quan hệ cũng như biết bản thân đang thiếu gì để rèn luyện, chuẩn bị cho tương lai.

Tóm lại, giao tiếp là hoạt động cơ bản trong đời sống hằng ngày của mỗi con người và trong mọi ngành nghề, để thành công, con người cần có sự hợp tác, bổ trợ, giúp đỡ, hay tối thiểu là góp ý từ nhiều phía. Đặc biệt, đối với sinh viên đang trong quá trình học tập tích lũy tri thức để ngày mai lập nghiệp thì giao tiếp có vai trò không nhỏ đối với việc học tập, công việc và nghề nghiệp của bản thân mỗi người. Vì vậy, để phát triển kỹ năng giao tiếp đòi hỏi sinh viên phải có một quá trình rèn luyện, tích lũy và tiến bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huỳnh Văn Sơn, Giáo trình tâm lý học giao tiếp, NXB Đại học Sư Phạm, năm 2011.

2. Hương Giang, Vui buồn văn hóa giao tiếp của sinh viên, báo Tuổi Trẻ.

3. Phương Hiếu, Lệch lạc nhân cách trong thế giới ảo, báo Thanh niên.

4. Phương Nguyên, Kỹ năng mềm và thương hiệu cá nhân, báo Thanh niên.

5. Theo www. Careerlink.vn, Thành công bất ngờ từ đơn xin việc viết tay.

 

  ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy

Góp ý
Các tin liên quan