Nowadays, the continuous development of society in general has influenced the foundation and growth of people significantly, especially children. In particular, parents ảe an important element in this problem. A woman becomes a mother at the beginning of her maternity, whereas to be a father, a man must go through a psychological process, which is stipulated by society’s standards. Hence, the importance of the lack of a father figure in developing children’s psychology is discussed below.
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con người đặc biệt là trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, người cha trong gia đình lại là người đóng góp rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách trẻ. Người phụ nữ trong gia đình trở thành người mẹ ngay từ khi mang thai, trong khi người đàn ông lại trở thành cha qua một quá trình tâm lý được quy định bởi các chuẩn mực văn hoá xã hội mà mình sinh sống. Chính vì thế, sự thiếu vắng người cha trong gia đình hiện nay có tầm quan trọng như thế nào đến sự phát triển tâm lý của trẻ?
- Gia đình là gì?
Theo cục điều tra dân số Mỹ năm 1991, “gia đình là nhóm xã hội từ hai người trở lên có mối quan hệ với nhau bởi huyết thống, hôn nhân hoặc cha mẹ (con) nuôi và những người này sống cùng nhau trong một
hộ gia đình”.
Như vậy, với định nghĩa trên, gia đình là tất cả những người sống chung trong một hộ gia đình có quan hệ huyết thống hôn nhân hoặc cha mẹ với con nuôi được pháp luận cho phép và công nhận.
Hộ gia đình là tất cả những người sống chung dưới một mái nhà, trong một sổ đăng ký hộ khẩu. Họ có thể là một người sống một mình hoặc một số người sống cùng nhau, có thể cùng hay không cùng dòng máu hay họ hàng. Bởi trong xã hội ngày nay có nhiều hoàn cảnh mà trong đó các thành viên của gia đình không sống chung trong gia đình mình mà lại có mặt trong các gia đình khác. Chẳng hạn, bạn là người ở tỉnh lên thành phố đi học. Bạn sống trong gia đình nhà chú mà không còn sống trong gia đình nhà mình nữa. Lúc này, gia đình nhà chú trở thành một hộ gia đình (gia đình lớn) bên cạnh một gia đình thuần tuý.
Dưới góc độ tâm lý học, gia đình là một nhóm nhỏ xã hội, các thành viên trong nhóm có quan hệ gắn bó về hôn nhân hoặc huyết thống, tâm – sinh lý, cùng có chung các giá trị vật chất, tinh thần ổn định trong các thời điểm lịch sử nhất định.
Như vậy, với khái niệm này, gia đình có các đặc trưng cơ bản sau:
- Gia đình là một nhóm xã hội
- Trong gia đình phải có các giới tính (nam, nữ)
- Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình phải là quan hệ ruột thịt, huyết thống (tái sản xuất con người)
- Trong gia đình, các thành viên gắn bó với nhau về đặc điểm tâm sinh lý (gien di truyền sinh học, nếp sống, sinh hoạt, truyền thống, phong tục, tập quán,…)
- Các thành viên trong gia đình sống và hoạt động bằng một ngân sách chung do các thành viên trong gia đình đem lại.
- Các thành viên trong gia đình sống chung trong một mái nhà.
- Người cha trong gia đình hiện nay
2.1. Vai trò, chức năng của người chaVai trò của người cha sẽ được xác định trong một khung cảnh văn hóa – xã hội nhất định. Vì thế, mỗi xã hội sẽ đặt ra cho người cha những vai trò phù hợp với đặc thù văn hóa của mình. Chính vì thế, người cha thực hiện tốt vai trò của mình phải qua các chức năng của người cha. Chúng ta có thể chia chức năng của người cha ra làm hai loại: chức năng gián tiếp và chức năng trực tiếp.
- Chức năng gián tiếp: Ngoài tình yêu, người chồng còn phải hỗ trợ cho vợ mình mang lại sự an toàn cho đời sống lứa đôi. Chức năng của người chồng được thể hiện qua những mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Sự cân bằng về mặt tâm lý tình cảm của người vợ có thể được củng cố hoặc bị thương hại bởi mối quan hệ với người chồng. Do đó, tất cả những sự biến đổi trong tình cảm và cảm xúc của người vợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ mẹ – con. Vì vậy, sự cân bằng trong mối quan hệ vợ chồng là điều cần thiết cho sự phát triển tâm lý – tình cảm của trẻ. Hơn nữa, đứa trẻ sẽ thu nhận và nội tâm hóa hình ảnh của người cha mà đứa trẻ tạo lập được không chỉ qua lăng kính của chính bản thân mà còn qua lăng kính của người mẹ nữa.
Vì thế, nếu một phụ nữ coi thường chồng mình và hạ thấp uy tín của chồng trước mặt con cái làm cho hình ảnh người cha in đậm trong nội tâm trẻ. Sau này, đứa trẻ cũng có thể giống như người cha nó hiện tại.
- Chức năng trực tiếp: Người cha như một người trung gian trong mối quan hệ mẹ – con, sự phát triển về mặt sinh học sẽ giúp đứa trẻ dần dần tách biệt ra khỏi người mẹ và tự tạo lập mối quan hệ tay đôi với người mẹ. Người mẹ cần phải chấp nhận sự độc lập của con đối với mình. Người cha cần phải giúp đỡ cho đứa con trong quá trình này, phải có một sự điều tiết về khoảng cách giữa mẹ và con cũng như đóng góp cho sự phát triển tính tự chủ của đứa con.
2.2. Trách nhiệm của người cha
- Nắm giữ quyền lực: Đứa trẻ cần đến sự thể hiện quyền lực của người cha nhưng quyền lực này không được thể hiện dưới hình thức độc tài hoặc chuyên chính. Quyền lực mà người cha nắm giữ cũng tùy thuộc vào mối quan hệ giữa cha và mẹ. Nếu mối quan hệ tình cảm giữa cha và mẹ tốt đẹp sẽ là một sự bảo đảm chắc chắn nhất cho quyền lực của người cha.
- Người mẫu đồng hóa: Đồng hóa là một cơ chế tâm lý vô thức. Qua đó, cá nhân sẽ điều chỉnh hành vi của mình sao cho giống với một người khác nào đó. Vì thế, người cha không chỉ đóng vai trò là người nắm giữ quyền lực hay góp phần tạo cái nôi nơi trẻ, mà còn là người đại diện cho phái nam gia đình.
- Hướng dẫn xu hướng giới tính của trẻ: Đứa trẻ được khẳng định về mặt giới tính thông qua giới tính mang tính sinh học của trẻ mặt khác còn thông qua vị trí, địa vị của trẻ trong mối quan hệ với bậc cha mẹ khác giới. Vì thế đứa trẻ được khẳng định qua sự đối lập với bậc cha mẹ khác giới và sự đồng hóa với bậc cha mẹ đồng giới.
Cho nên, chúng ta có thể khẳng định rằng chức năng của người cha có tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách nơi trẻ. Nó bảo đảm những khả năng tự chủ và độc lập cần thiết cho một đời sống tình cảm thăng bằng (mối quan hệ giữa mẹ – con), và mang lại sự tự tin vào bản thân sẽ cho phép trẻ có thể đối mặt được với những thách thức của xã hội sau này (nhờ chức năng đồng hóa).
- Sự thiếu, vắng uy quyền của người cha trong gia đình sẽ ảnh hướng đến tâm lý của trẻ như thế nào?
3.1. Thiếu thực sựTrong gia đình, người cha thiếu thực sự vì có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau như chết, bị tù đày hoặc phải cách li do bệnh tật… vĩnh viễn sẽ ảnh hướng đến tâm lý trẻ trong việc hình thành và phát triển nhân cách rất lớn. Khi người cha thiếu thực sự, người mẹ phải thay thế vai trò của người cha. Vai trò này của cha không phải là vai trò chính của người mẹ nên người mẹ không thể bù đắp đủ như người cha được. Chẳng hạn, người cha mất thực sự, người con trai phải bám vào mẹ và có nguy cơ thiếu nam tính vì hình ảnh người cha đã mất không thể thay thế bằng xương bằng thịt. Hay ở bé gái, sự thiếu cha trong gia đình sẽ làm cho bé sau này khi lớn lên sẽ tự đồng nhất với mẹ mình, nhìn mẹ không chỉ là người mẹ của mình mà còn là người vợ có những đứa con của người đàn ông mà mình yêu quý. Nếu sự thiếu vắng người cha này xảy ra ở gia đình có đông con thì mọi vai trò, trách nhiệm của người cha đều nằm trên vai người mẹ để nuôi và dạy con cái. Những gia đình như vậy, trẻ sẽ không hình dung được vai trò uy quyền của người cha trong gia đình. Sự thiếu vắng này lâu dài có thể dẫn đến những đứa con trong gia đình không có khả năng lập gia đình, hoặc không duy trì được tổ ấm hoặc nặng hơn có thể phạm pháp ở tuổi vị thành niên và trưởng thành.
Ngược lại, đối với những người cha vắng mặt thời gian dài như thuỷ thủ hay những người làm thương mại, việc trở về nhà để giải quyết những xung đột quan trọng hay những khó khăn và có thể đề ra những chỉ dẫn thực hiện trong thời gian tới mà ông vắng nhà, việc làm này có tính chất trịnh trọng và khác thường nhưng có thể củng cố thêm uy tín và ảnh hưởng của người cha tới các con ngay cả khi ông ta vắng nhà. Tuy nhiên, khi sự vắng mặt của người cha kéo dài khá lâu, người con trai cảm thấy mẹ của nó là tất cả, không có đối thủ. Khi người cha trở về, nó sẽ cảm thấy mẹ phản bội lại nó khi bộc lô tình cảm yêu thương với chồng. Tâm lý này ở trẻ trai gần giống khi cha mẹ li dị và thời gian sau mẹ có chồng khác.
3.2. Vắng mặt giả
Với những trường hợp vắng mặt giả vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: bận việc quá nhiều. Người cha về đến nhà đã mệt nhoài, hay cáu kỉnh, không quan tâm tới các con để khỏi bị quấy nhiễu hoặc thậm chí tìm cách trốn tránh không thèm nghe những lời kêu ca của vợ liên quan đến cách ứng xử của con, lấy cớ không muốn là người bị tra tấn mà chỉ muốn tận dụng thời gian hiếm hoi có mặt ở nhà để thoả mãn nhu cầu riêng tư của mình chứ không muốn dành cho các con. Dù nghĩ thế nào, một khi đã không hướng dẫn, bảo ban con cái thì coi như người cha không yêu thương con cái, thậm chí là cuộc sống gia đình. Đó là trường hợp của những người cha làm nghề bác sĩ, luật sư, kỹ sư. Những người cha này thường lấy cớ vắng mặt của mình vì làm thêm việc để tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, bảo đảm cho tương lai con cái,… Người cha này cứ tưởng có tiền nhiều đưa vợ là xong trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình. Người cha để mặc vợ tự “bươn chải” với các con trong gia đình, phó thác cho vợ tất cả các công việc trong gia đình từ nội trợ, con cái đến quan hệ họ hàng. Người cha cũng quên mất một điều trong gia đình ngày nay, phụ nữ cũng có công việc ngoài xã hội của họ. Những lo xa giả tạo đó lại là nguyên nhân chính gây phá huỷ những gì tưởng là chung của gia đình mà người cha thờ ơ.
Hoặc có những cha sống trong gia đình nhưng lại ‘đào ngũ’ khỏi gia đình. Người cha này cố tình thờ ơ với những gì có thể quấy nhiễu đến những thói quen và gây trở ngại cho những chứng tật của mình. Người cha trong gia đình này thường sa đà vào những công việc mình thích như sưu tầm, đọc sách, nghe đài, hì hục sửa chữa cái này cái khác,… mà không hề quan tâm đến số phận và những vấn đề của các thành viên trong gia đình họ. Người cha này có thể không nhu nhược cũng không tỏ uy quyền thái độ đối với các con mà chỉ bằng lòng với hiện thực như vậy. Những đứa trẻ sống trong kiểu gia đình này sẽ oán giận một cách vô thức về sự hẫng hụt uy quyền mà nó trông chờ ở người cha. Nó phải tìm một người bà con thân thuộc, một thầy giáo cái uy quyền mà nó nuối tiếc và đang cần. Chính vì thế, L. Micgaux đã cho rằng nếu thiếu uy quyền thì bọn trẻ “thiếu mất những cái phanh hãm” trong các dạng phản ứng: sự đối lâp, sự bắt chước và sự bù trừ. Phản ứng đối lập là cần thiết thể hiện xu hướng giải phóng mà thiếu nó chứng tỏ là không trưởng thành biểu hiện củng cố sự độc lập của trẻ như về nhà trễ, trốn đi chơi chốc lát,… đều là sự báo trước của sự vượt rào. Nếu bức tường gia đình bị hạ bởi các bậc cha mẹ lạm dụng sự tự do, đứa trẻ sẽ tìm đến một trở lực khác hoặc trộm cắp không nằm ngoài những động cơ đó. Phản ứng bắt chước kết hợp với phản ứng sự đối lập, bức tường gia đình bị phá vỡ, đứa trẻ sẽ tìm mẫu người khác trong sách báo, phim ảnh, bạn bè để học theo. Những mẫu người mà trẻ học được có thể là chuẩn mực hoặc thập chí sai chuẩn mực chưa đúng sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành và hoàn thiện nhân cách trẻ rất lớn. Phản ứng bù trừ cho phép thiếu niên khẳng định sự tự tin và nhân cách của mình bằng việc phạm tôi vô cớ. Nhìn chung, những trẻ sống trong gia đình này có thể có tính thiếu cương quyết, thiếu vững chắc, cách xử thế thiếu sự do dự, lưỡng lự, không nhiệt tình trước những thích thú hoặc những say mê thất thường, ý thức đạo đức nghèo nàn, không năng động. Quan hệ với bên ngoài có thể mạo hiểm, liều lĩnh, thoái thác, chông chênh, thất thường nhiều khi chứng tỏ một sự bất an và lo âu không được ý thức rõ ràng,… Thậm chí, điều tệ nhất là trẻ có xu hướng muốn tự tử dù chỉ bằng lời nói.
Nói chung, sự thiếu vắng của người cha có thể dẫn đến những tổn thương về tình cảm hay có những rối nhiễu về tâm lý. Trong những trường hợp khác, một đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc giáo dục của người cha có thể trở thành những con người hèn nhát và dễ nản chí, luôn có cảm giác không an toàn và hay lo âu. Nhân cách của đứa trẻ sẽ thiếu ổn định và không chắc chắn. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này có tính khí thất thường, ý định tự tử cũng khá thường xuyên dù bởi những lý do không đâu. Các mối quan hệ với những người khác trở nên thất thường và không ổn định. Có thể trẻ sẽ có bạn bè nhưng không có bạn thân. Sau này khi lớn lên, trẻ dễ trở thành tội phạm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người mẹ phải cố gắng duy trì sự hiện diện của người cha trong những trường hợp mà ông đã gây ra những tổn thất về tình cảm nghiêm trọng (có vợ bé, tình nhân hay những hành vi xúc phạm danh dự người vợ, rơi vào các tệ nạn xã hội, hoặc có hành vi bạo hành với vợ con…). Lúc đó, giải pháp ly dị sẽ là điều cần thiết. Điều này không chỉ là sự hỗ trợ hay giải thoát cho người vợ, mà còn là một biện pháp giúp cho đứa con tránh được những tổn thất nghiêm trọng hơn về mặt tâm lý, đó là mất đi niềm tin và lý tưởng vào cuộc sống, điều này sẽ tệ hại hơn cả tình trạng vắng mặt của người cha mà đứa trẻ phải chịu đựng sau khi bố mẹ ly dị và người mẹ nhận lãnh việc nuôi dạy trẻ.
Tóm lại, gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có ổn định, phát triển thì xã hội mới ổn định và phát triển được. Chính vì thế, người cha ngày nay phải biết và nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình để tạo sự phát triển tâm lý hài hoà giữa các thành viên trong gia đình nhất là con cái của mình để có được sự phát triển tâm lý tốt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ts. Nguyễn Minh Hòa, Hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại, Nxb. Trẻ 2000
- Ngô Công Hoàn, Tâm lý học gia đình, Nxb. SPHN 1, 1993
- GS.TS Lê Thị Quý, Xã hội học gia đình, Nxb. Chính trị - hành chính, Hà nội 2011
- Nguyễn Khắc Viện, Tâm lý gia đình, Nxb. Thanh niên, 1993
Ths. Phạm Thị Hồng Thái