Hội thảo "Đổi mới phương pháp giảng dạy trong bối cảnh xã hội hiện nay"

line
31 tháng 08 năm 2019

Sáng ngày 29/08/2019, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn trường Đại học Văn Hiến tổ chức Hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong bối cảnh xã hội hiện nay” tại phòng MBA, 613 Âu cơ, phường Phú Trung, quận Tân Phú.

Đến tham dự Hội thảo có TS. Đặng Quốc Minh Dương (phòng Quản lý khoa học), Ban chủ nhiệm khoa KHXXH&NV gồm Ths. Nguyễn Duy Hải, TS. Dương Mỹ Thắm và các Thầy/Cô có tham gia viết và gởi bài cho Hội thảo.

Tại buổi Hội thảo có 6 chuyên đề được chọn và báo cáo, bao gồm: chuyên đề “Đánh giá của sinh viên trường Đại học Văn Hiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên trong những năm gần đây” của Ths. Nguyễn Duy Hải, chuyên đề “Tính tích cực học tập của sinh viên năm thứ nhất khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn” của Ths. Nguyễn Thị Bích Thủy, chuyên đề “Nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho người học” của TS. Đoàn Trọng Thiều, chuyên đề “Đổi mới phương pháp và nội dung thực tập – thực hành nghề nghiệp trong đào tạo các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn (phân tích trường hợp ngành Xã hội học)” của Ths. Ngô Văn Huấn, chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy các môn lý luận Mac – Lênin ở bậc đại học hiện nay” của Ths. Huỳnh Văn Giàu và chuyên đề “Vận dụng phương pháp khăn trải bàn vào giảng dạy” của Ths. Trần Thị Lợi – Ths. Phạm Thị Giang Thùy.

Sau phần trình bày của các báo cáo viên là phần thảo luận của các đại biểu tham dự. Ths. Lê Thị Minh Nguyên chỉ ra rằng “trong đề tài của Ths. Nguyễn Duy Hải, khi tiến hành khảo sát, phòng Quản lý đào tạo không hướng dẫn sinh viên cách đánh giá chi tiết đồng thời theo kinh nghiệm của bản thân, khi đánh giá sinh viên thường đánh giá theo cảm tính nên một số kết quả thống kê không có độ tin cậy cao” và Ths. Hải cũng đã đưa ra đề xuất “cần có các câu hỏi sàng lọc để có thể thu được kết quả đánh giá có độ tin cậy” trong phần kiến nghị. Ths. Nguyễn Thị Hồng Thủy đặt câu hỏi liên quan đến chuyên đề của Ths. Ngô Văn Huấn là “ Nhà trường, Khoa và Giảng viên phải thay đổi như thế nào để nâng cao hiệu quả của học phần thực hành, thực tập cũng như hiệu của giảng dạy?”. Ths. Huấn cho rằng “việc thay đổi trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, tùy vào cơ chế của từng Trường, từng Khoa và từng Bộ môn. Tuy nhiên, điều có thể dễ thực hiện nhất là tích hợp nhiều học phần có phần thực hành”. TS. Mai Nguyêt Nga cho rằng “Việc đánh giá chất lượng hài lòng của sinh viên là rất cần thiết, cần phải nâng cao tính tích cực trong phương pháp giảng dạy và phương pháp học tập để phù hợp với bối cảnh của trường Đại học Văn Hiến hiện nay”.

Hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong bối cảnh xã hội hiện nay” đã giúp cho các đại biểu rút ra nhiều vấn đề trong việc thay đổi, vận dụng các phương pháp tích cực trong dạy và học ở Đại học nói chung và Đại học Văn Hiến nói riêng.

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo: