Trần Xuân Tiến - 08NV
Anh Hoàng gọi tôi, cho hay trường mình sắp thực hiện Kỷ yếu kỷ niệm 15 năm thành lập, em xem có viết được bài cảm nhận, tản văn gì về trường lớp, thầy cô thì gửi cho anh một bài. “Một bài độ chừng một hai trang A4 gì đấy em ạ”. Một hai trang A4, độ chừng chưa đến nghìn từ, với dân làm báo như tôi, nghe thì có vẻ dễ dàng đấy. Nhưng bốn năm dài trong suốt quãng đời sinh viên, mỗi ngày đi học là một ngày kỷ niệm gắn bó với tôi, nhất là trong tôi, sự bùng nổ cảm xúc ngày nhận bằng tốt nghiệp cách đây hai tuần vẫn còn “hừng hực”. Độ chừng nghìn từ, liệu tôi có đủ nói hết chăng? (Với lại, cử nhân văn khoa mà, nghìn từ đủ không? kaka).
* * *
Thế rồi, không dưng mà tôi lại nhớ đến hai câu lục bát mà tôi đã viết trong một chiều muộn ở D2 cách đây ba năm.
Lá bàng rụng khắp con đường
Ngu ngơ đâu biết, sân trường sang đôngDường như có chung cảm giác với những bạn sinh viên các khoá 07, 08, 09, với tôi, cơ sở D2, Đại học Văn Hiến vẫn luôn để lại thật nhiều hồi ức đẹp. Không nguy nga tráng lệ với những toà nhà cao tầng, D2 là khúc ban chiều của một thoáng bình yên “đô thị cổ”. Phòng học là những khối hình hộp của các dãy A, B, rộng vừa đủ, nhỏ vừa đủ, với kiểu thiết kế cửa sau là cả một cạnh chiều rộng của phòng học (thế nên các em sinh viên tha hồ… “cúp cua”). Còn mỗi lần được học ở giảng đường A, giảng đường B ngày đó với chúng tôi là một dịp để “hồi cố” kiến thức văn học nước ngoài. Mấy cánh quạt to đùng cứ phát ra những tiếng rầm rĩ tựa như những chiếc cối xay gió ở xứ Tây Ban Nha mà chàng hiệp sĩ Don Quixote (Đôn Ki-hô-tê) ngày đêm quyết đấu.
https://www.facebook.com/tranxuantien188/media_set?set=a.379751302139111.1073741831.100003127331967&type=3
Không có vườn hoa “khủng” bốn mùa đua nở khoe sắc, D2 là khu tổ hợp của nhiều loài cây… lạ xen lẫn bên hoa. Đừng ngạc nhiên nếu một sáng tinh mơ rất đẹp, lũ sinh viên hè nhau bẻ những trái táo còn chưa tới ngày… trưởng thành khai ngọt mà nhai ngấu nghiến rồi giành nhau chí choé. Lại cũng đừng ngạc nhiên, khi có những buổi hoàng hôn tan trường, đám ba đám bảy mấy sinh viên học anh văn hay tin học về muộn cứ loay hoay cầm cái cây tre dài thật dài để… hái lén sa kê. Cây sa kê ngay trước khu E, nơi có thư viện trường. Bọn bè bạn hay ác mồm ác miệng, lỡ một ngày đẹp trời, trái sa kê chín, rơi trúng đầu mấy đứa vừa học bài từ thư viện bước ra. “Cho vừa! Ai bảo học cho cố vào. Cứ suốt ngày mọt sách trong đó”. Ta nói, bây giờ, thái độ đó giới trẻ thường hay gọi là GATO. Có điều, lũ bè bạn ấy cũng chỉ là… “chém gió” cho có không khí vui vui tao nhã vậy thôi, chứ không hề có tà tâm ác trí gì cả. Bởi vì ngay cả các bạn ấy, và cả tôi nữa, vào những mùa thi, cũng phải cả ngày ngập vùi trong thư viện với mấy chồng sách. Đứa nào đứa nấy cố gắng hết sức bình sinh căng mắt nhìn vào từng trang sách như muốn ăn tươi nuốt sống từng con chữ.
Và trong đám cây lạ táo dại sa kê ấy, có cả những cây bàng mà tôi yêu mến. Cây bàng được trồng hầu như bao quanh cả khu trường. Dường như nó chỉ có một tác dụng nhỏ là che nắng nhưng lại để lại hậu quả lớn là lá bàng rơi khắp cả sân trường, báo hại mấy chị lao công phải quét dọn mệt nghỉ. Còn đối với tôi, nhìn cảnh cả sân trường ngập đầy lá bàng vương vãi lại là cả một thánh đường tâm trạng. Tất thảy cung bậc trong… kiếp sinh viên của tôi, lá bàng là người bạn trung thành đều chứng kiến. Cứ ngỡ lá bàng vô tri vô giác, cứ ngỡ lá bàng ngu ngơ ngủ vùi xác vàng mục hoài trên nền sân tràn nắng. Nhưng lá bàng, suốt những tháng ngày học trò ở D2, nó đã là chứng nhân của từng lớp, từng lớp thế hệ sinh viên. Rồi một ngày rời xa D2 thân quen, lá bàng gieo vào hồn ta biết bao kỷ niệm…
* * *
Vừa cho tâm trí mơ màng trong quá khứ mà hí hoáy bút viết, tôi lại vừa phải trở về thực tại để “canh me” xem cái Word Count nó đã vượt quá một nghìn từ chưa. Lỡ vượt quá thì lại khổ cho các anh chị biên tập sắp chữ cuốn kỷ yếu này (mà các anh chị ấy đều là người quen cả, tôi sợ bị… “mắng vốn” lắm, hihi). May quá, vừa khít. Cũng còn nhiều điều muốn thổ lộ giãi bày hơn nữa, song cũng tự căn dặn bản thân rằng, thời đại @ rùi, viết in ít thôi, lá bàng nhỉ?
Saigon, tháng đầu tiên sau ngày nhận bằng Cử nhân20 - 11 - 2012
(*) D2 là cơ sở chính đầu tiên của Trường Đại học Văn Hiến (AA2, đường D2, P.25, Quận Bình Thạnh, TPHCM)