Nguyễn Hoàng Nhật Hạ - SV ngành Văn học
MSSV: 131A110034 - Khoa KHXH & NV
(Giải nhì cuộc thi Nét bút tri ân
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. 2014 – CLB Yêu Văn)
“Có một nghề bụi phấn dính đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm…”
(Sưu tầm)
Năm tôi 3 tuổi, vì thấy con gái thích đọc sách và biết đọc chữ sớm quá nên ba dẫn tôi sang nhà cô để học vỡ lòng. Ngày vào học, ngơ ngác ngước lên nhìn, trong kí ức của cô bé con là hình ảnh một người bà với mái tóc bạc phơ, đẹp như những bà tiên trong chuyện cổ tích mà nó thích mê mẩn. Chưa bao giờ nó thấy sợ hãi trước cô, chưa bao giờ nó có cảm giác cô là cô giáo, cái người mà anh chị nó hay dọa sẽ đánh đòn rất đau nếu làm trái ý. Cô chẳng khác gì bà nội của nó, nụ cười hiền hậu chân chất, bàn tay đầy những nếp nhăn và vết đồi mồi, đôi kính lão gắn chặt trên mắt. Cô dạy nó từng nét sổ dọc, từng con chữ, phép tính. Cô khen nó sáng dạ, vì khi học với cô, nó gần như đã đọc làu cả bảng chữ cái, tự ghép được chữ, đọc được cả sách. Dạy chữ thì nhanh như vậy, còn đến Toán cô lại cực nhọc biết bao. Dạy ngược dạy xuôi mà mãi con bé chẳng đếm được từ 1 đến 10, cộng trừ nhầm lung tung hết cả. Cô vẫn kiên nhẫn, vẫn dịu dàng, xoa đầu mỗi khi nó nản lòng và nói : “Không sao đâu con. Sau này, chắc con sẽ học Văn rất tốt, biết đâu còn làm cô giáo không chừng. Nhưng cũng không được dở Toán quá đâu nghe, vì đã là cô giáo thì cái gì cũng phải biết, không thôi học trò hỏi làm sao trả lời được” . Những tối học xong không có ai rước về, ngồi buồn thiu trước cửa, cô lại dẫn vào nhà, lấy cơm cho ăn, lấy sữa chua cô tự làm để dỗ dành con bé đang nước mắt ngắn dài vì ngóng ba. Tuổi thơ tôi đã trôi qua những tháng ngày êm đềm hiếm hoi như thế đó… Và, hệt như cô đã đoán, tôi chọn Văn như định mệnh để gắn cuộc đời mình, nương náu đến tận bây giờ…
Năm tôi học lớp 6, bước vào một ngôi trường xa lạ, trong một lớp chọn toàn là những bạn học giỏi. Con nhỏ chậm chạp là tôi lọt thỏm giữa các bạn, chật vật trăm phần mới theo kịp bài giảng trên lớp. Lúc nào tôi cũng mang cái mặc cảm về bản thân rằng mình không nhanh nhạy và thông minh, mình chỉ là cái bóng mờ nhạt chẳng đáng để tâm. Nhưng rồi cô chủ nhiệm đã xóa bỏ cái suy nghĩ đó của tôi. Cô dạy Văn, ngay môn học duy nhất tôi yêu thích và có hứng thú. Những giờ cô giảng, tôi say mê học, chìm đắm trong cái thế giới tuyệt đẹp mà cô dẫn đến. Bài văn nào của tôi cũng dài 5, 6 tờ giấy đôi mà cô vẫn kiên nhẫn đọc hết từng chữ, phê kín cả tờ giấy. Cô luôn khuyến khích tôi viết càng nhiều càng tốt, đọc càng nhiều càng có ích. Những lời động viên của cô ngày đó khiến tôi dần lấy lại niềm tin, vững lòng hơn vào bản thân mình. Cô rất nghiêm khắc, đôi lúc mang lại cho học trò cảm giác lạnh lùng đến đáng sợ. Tên của cô đẹp, nhưng lạnh, “Tuyết Sương”, và cô rất ít khi cười, cũng hiếm hoi bộc lộ cảm xúc của mình trước chúng tôi. Nhưng tôi nhớ mãi cái ngày tôi đến lớp mà gục ngã trên bàn học vì đói, lúc đó trong cơn mê man, tôi vẫn nhớ cảm giác bàn tay cô xoa nhẹ những vết bầm hằn trên tay tôi… Hôm đó cô khóc, nước mắt rơi xuống ướt đầm cả tóc tôi, và cô nói : “Cố gắng lên con ơi. Cuộc đời này nghiệt ngã và thiếu công bằng với con thế nào đi nữa, nếu dám sống và không từ bỏ ước mơ mình đã chọn, rồi con cũng sẽ được hạnh phúc. Còn có cô đây, đừng sợ…” . Tôi nhớ mãi câu nói ấy, nhớ mãi cái cảm giác êm dịu, an toàn và ấm áp đầy an ủi khi có người bảo với tôi rằng sẽ ở bên cạnh bảo vệ tôi, rằng không còn gì đáng sợ nữa….
Năm tôi học lớp 9, cô giáo chủ nhiệm của tôi nhỏ bé và xanh xao. Cô chọn tôi làm lớp phó học tập vì kết quả năm học trước tốt, dù cho tôi một mực khước từ. Mà tôi trước giờ học cực kì tệ các môn Toán, Lý, Hóa, cô toàn phải nghe các thầy cô khác phàn nàn rằng con bé lớp phó tuy ngoan nhưng sao chậm hiểu quá đáng. Đỉnh điểm là tôi lơ đễnh đánh mất sổ đầu bài, khiến lớp có nguy cơ xếp hạnh chót thi đua của trường. Lần đó may mắn tìm lại được, nhưng tôi đã khóc và nói với cô : “Cô cách chức con đi. Thật ra con làm một thời gian rồi mà đâu có làm tốt, học môn Toán của cô thì dở tệ, còn khiến cô bị mắng vốn nữa. Con dở lắm”. Cô cười nhẹ, nói : “Con ráng để ý chút là được mà. Cô đâu có trách gì. Cô đã chọn rồi, cô tin vào sự lựa chọn của cô là con. Mà cô biết con vẫn luôn cố gắng từng ngày, dù chậm, nhưng con cố gắng rất nhiều so với các bạn khác, vậy là tốt rồi”. Sự tha thứ đó đã buộc tôi phải lớn lên sớm hơn… Cuối năm đó, tôi thi đậu vào đội tuyển Học sinh giỏi Văn của trường, được gặp lại cô giáo dạy Văn lớp 6, được học nhiều về kỹ thuật viết, rút gọn bớt câu chữ và điều khiển cảm xúc của mình. Tôi học chăm hơn Toán, Lý, Hóa dù vẫn sợ. Và tôi đậu vào ngôi trường cấp 3 với số điểm cao cùng với giải thưởng Học sinh giỏi Văn cấp thành phố. Ngày làm Lễ tri ân, được chọn lên đọc bài Văn đã viết, từ trên sân khấu nhìn xuống dưới, tôi nấc nghẹn chẳng đọc nổi khi thấy hai người cô của mình lau nước mắt mà miệng cười rất tươi….
Cấp 3 là môi trường cho tôi điều kiện phát triển năng khiếu và ước mơ của bản thân, nhưng về mặt tình cảm tôi không mấy gắn bó với trường lớp và bạn bè như hồi cấp 2. Tuy vậy, chính tại đây mà tôi có may mắn được học với những người thầy thật sự tuyệt vời. Chính quãng thời gian đầy khó khăn và sóng gió này mà tôi của hôm nay mới trưởng thành vững chãi trước những ngã rẽ và thử thách.
Thầy chủ nhiệm lớp tôi 2 năm, cái lớp Văn toàn con gái chỉ có vài đứa con trai. Thầy cũng dạy Văn. Thầy chưa đủ lớn tuổi để dạy chúng tôi một cách sâu sắc về cuộc đời, nhưng chính cách sống của thầy, chính sự nhọc nhằn đánh vật với miếng cơm manh áo từng ngày để giữ trọn tình yêu nghề đã khiến chúng tôi phải chùn lòng suy nghĩ lại về tương lai còn mịt mờ phía trước của bản thân. “Cơm áo không đùa với khách thơ” , đó là câu thầy hay nói khi giảng bài. Cuộc sống khắc nghiệt lúc nào cũng đẩy xô, con người ta cần tiền bạc, cần quyền lực thì mới an lòng xoa dịu cái tôi vị kỉ ganh tức của mình. Nhưng những điều đó rồi sẽ hóa cát bụi, vì một ngày nào đó khi ra đi, có tiền hay không cũng như nhau, phải buông tay bỏ lại tất cả…. Thầy chưa bao giờ dạy chúng tôi mơ mộng khi học Văn mà chỉ mong chúng tôi nhờ Văn mà biết yêu thương nhiều hơn, sống có tình người hơn. Người thầy đó của tôi, kể cả khi đối diện với nghịch cảnh, khi đứa con gái đầu lòng mắc chứng bệnh nan y khó chữa mà chẳng thể làm gì, chỉ đau đớn nhìn con quấy khóc mỗi đêm, khi chúng tôi khóc vì thương, thầy vẫn nở nụ cười lạc quan nhất. Cái chất giọng hể hả, thiệt thà của người miền Tây sông nước mà tôi rất đỗi mến thương và gần gũi, cái dáng vẻ hào sảng tươi vui của người nông dân lam lũ mà vẫn rạng ngời thanh thản…. Tất cả vẽ nên hình ảnh thầy.
Học Văn, tôi không chỉ học từ bài giảng, mà còn học từ những giọt mồ hôi thầy khi phải đứng thao thao nói suốt những tiết dài, học từ cái dáng vội vã, tất bật của thầy qua từng lớp, rồi lại tất bật về trong mưa trời vẫn tuôn. Có bạn hỏi, không biết thầy có thể kiếm được đủ nửa tỷ để thay tủy cho em Dung không, vì vào máu thường xuyên như vậy em sẽ bị dư sắt, gây nhiều biến chứng sau này, mà em cũng không sống được lâu khi mà nụ cười em còn ngây thơ quá, cuộc sống em còn ngắn ngủi quá, cuộc đời còn nhiều niềm vui quá, mà em thì không được hưởng những điều đó, mà một người tốt như thầy lại không có được cuộc sống tốt theo lẽ công bằng của cuộc đời. Tôi không biết nữa, chỉ cười, bảo: “Tin thầy đi, thầy mạnh mẽ lắm”. Nhưng tại sao khi viết những dòng này, tôi không cười được nữa, không còn lạc quan được nữa, cho tôi và cho thầy? Thấy lòng đau tan nát. Tự nhiên thèm được cười, dù đôi khi cười đâu phải là lòng không đau….
Nhớ hoài ánh mắt rạng rỡ âu yếm khi thầy bế bé Dung, hôn lên mái đầu non trẻ lơ thơ vài sợi tóc nhỏ, và nhớ hoài câu nói: "Thầy đi dạy bao nhiêu năm, gia tài chả có gì, chỉ chắt chiu được cục cưng nhỏ xíu này thôi mấy đứa à, giá nào, thầy cũng không bỏ cuộc "... Nhớ hoài hình ảnh thầy trong chương trình Tiếp sức người thầy đang cặm cụi chấm bài giữa đêm khuya... Nhớ hoài, giọt mồ hôi rơi rơi trên lưng áo thầy, trên vầng trán thầy... Nhớ hoài cái dáng thầy đứng trên bục giảng, một tay cầm phấn viết bài, tay còn lại ẵm con gái đong đưa vì bé sốt không nỡ đưa con đi gửi, đành áy náy nói với lớp thông cảm cho thầy một bữa…
Tôi còn có một người cô. Cô không dạy tôi kiến thức như những thầy cô khác, cũng chưa một lần đứng trên bục giảng. Lần đầu ngơ ngác nép mình sau cửa lớp cô năm 11 tuổi, sợ hãi và âu lo, cô đã ra đến nơi hỏi han và xoa đầu. Dáng người cô to lớn, giọng nói cũng rất vang, nhưng nụ cười thật hiền và bàn tay ấm lắm. Cô chỉ là một huấn luyện viên dạy võ thuật, cả đời đam mê Aikido và nguyện dành hết tấm lòng, tâm sức của mình để truyền bá môn võ đạo của tình thương, sự hoà hiếu cho những lứa học trò sau này, giúp chúng phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần và đạo đức. Aikido là nhà, Aikido là nơi gắn kết những duyên phận rất đỗi kỳ diệu, cô là mẹ dẫu tôi chưa có phước phần được cuộn tròn trong lòng cô bình yên suốt 9 tháng 10 ngày, đỏ hỏn trên tay dưới dáng hình của một hài nhi non nớt. Ngày đầu chập chững lên sân tập, tuổi thơ thiếu vắng hơi ấm tình thương cô hết lòng san sẻ, những chăm sóc dịu dàng và chu đáo khó tìm thấy từ một người phụ nữ mạnh mẽ tôi cảm nhận hết từ cô, những ủi an và khuyên nhủ rất thật lòng, những khi bệnh được cô ân cần lo lắng, cả những khi đớn đau cô ôm chầm lấy và để tôi mặc nhiên khóc. Tôi có thể bỏ lớp, bỏ cô để bon chen giành giật với cuộc đời khắc nghiệt ngoài kia, có thể đi mà không cần suy nghĩ hay day dứt lỗi lầm, chỉ có lúc đớn đau vì đời, vì người, mới giật mình nhớ về cô. Và vòng tay cô vẫn luôn ở đó, đợi chờ, mở rộng bao bọc, thứ tha thật sự, nâng đỡ, tin yêu không toan tính. Cảm giác được ôm lấy và vỗ về, ấm áp và an toàn vô cùng. Tận bây giờ vẫn biết mình không yêu Aikido bằng tình yêu máu thịt như cô đang yêu, nhưng sẽ gắn đời mình lâu dài với Aikido nhất có thể, bởi nơi đó , là chất chứa dáng hình của những người tôi thương mến nhất… Chắc tận sau này, khi đã xa cô, khi hình hài người đã thôi không còn ấm nóng như hôm nay cô ôm lấy tôi trong lòng, vẫn sẽ nhớ hoài, sẽ nhắc hoài về cô, với từng mặt người đi qua cuộc đời. Nụ cười đó sao buồn đến thế, xước vào lòng đau điếng...
Tôi thấy mình may mắn. Suốt quãng đời đi học của mình, đến tận bây giờ khi đã lên tới đại học, dù tôi không phải là đứa học trò giỏi giang nổi bật, nhưng lại luôn là đứa được thầy cô quan tâm đặc biệt và chăm sóc nhiều nhất. Tôi thương những thầy cô dạy Văn, họ đã dạy tôi nhiều thứ, hơn cả cách viết một bài Văn hay, tôi học được rất nhiều về cách sống, nếp nghĩ. Tôi thương cả những thầy cô dạy Toán, Lí, Hóa, những môn tôi dở tệ, vì chưa bao giờ tôi cảm thấy bị bỏ rơi, hay bị khinh thường vì mình học tệ. Tôi nhớ thầy Toán lớp 12, thà dạy lớp tôi chứ không dạy lớp Toán, vì thầy nói tụi lớp Toán cứ nghĩ mình giỏi rồi nên chẳng nghe lời. Thầy cực nhọc với lớp và với tôi biết bao nhiêu, đôi khi lắc đầu ngán ngẩm, nhưng cứ mỗi lần tôi lên bảng mà không làm bài được, đứng đó ngân ngấn nước mắt vì sợ, thầy lại dịu dàng nói : “Con gái của tui, thầy dạy rồi mà con. Làm vầy, vầy vầy nè con…” . “Con gái tôi”, đó là câu mà tôi nhận được không biết bao nhiêu lần từ các thầy cô. Tình cảm ấm áp của mẹ cha, tôi ít khi cảm nhận được, nhưng tôi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự che chở của thầy cô như vậy đó. Đôi khi nghĩ lại, tôi biết mình chắc chắn không phải là đứa ham học, nhưng luôn gắng học vì biết đó là cách đền đáp duy nhất. Từ thuở nào chẳng rõ, trong tôi hình thành cái ước mơ bỏng cháy được trở thành cô giáo, trở thành đôi tay nâng dậy những đôi tay non nớt khác. Tôi muốn giống thầy cô mình, quan tâm những học trò có hoàn cảnh đặc biệt, dùng yêu thương để hàn gắn tâm hồn chúng. Đôi lần trong những chuyến tình nguyện, chỉ cần đứng một góc xa quan sát ánh mắt bọn trẻ, tôi đã biết bé nào sống nghèo mà hạnh phúc vì được thương, bé nào đã thiếu thốn vật chất mà còn bị tổn thương cả tinh thần… Đó là thứ trực giác không thể diễn tả được… Vì tôi thấy trong những đôi mắt bé thơ ấy, là cả bầu trời thiếu thốn và tan vỡ, hệt như tôi những ngày còn nhỏ….
20/11 này, tôi không về thăm thầy cô. Tôi vẫn nhớ thầy cô đã nói, rằng tôi nhất định sẽ thành công, và thầy cô sẽ đợi tôi về. Tôi chưa về, vì tôi thấy mình chưa thành công, con đường tôi đi vẫn chông chênh lắm. Nhưng tôi biết một ngày nào đó tôi sẽ trở về, cứng cáp và vững chãi.
Chợt nhớ hôm đi dự lễ tang của cô, người đầu tiên cầm tay tôi nắn nót từng nét chữ. Ngoài trời mưa tuôn tầm tã, chiếc xe chở cô đi cứ lăn bánh đều đặn, theo sau là mấy mươi đứa học trò cúi đầu thinh lặng. Có người chạy xe ôm, sửa xe để kiếm sống, có người làm bác sĩ, kĩ sư, có mái đầu đã bạc thời gian, có mái đầu vẫn xanh non trẻ, đều nghiêng mình, từng giọt nước mắt rơi trước di ảnh người cô thân thương đã khuất và đi theo linh cửu cô đến lúc chôn cất xong... Rồi ngày xác thân cũng trở về với cát bụi. Nước mắt nào rơi bao nhiêu cũng muộn màng và hóa vô nghĩa. Mấy ai trên đời này đến lúc ra đi mãi mãi mà còn được yêu thương và kính trọng đến nhường ấy?
Dòng đời hối hả ngược xuôi theo mỗi lo toan bộn bề của cuộc sống thường ngày. Con người ta lớn dần lên, trưởng thành nhờ những va vấp trong cuộc sống, thế nhưng giờ đây sẽ chẳng còn ai bên cạnh nắm tay dạy bảo, chỉ dẫn như ngày còn bé nữa… Những bài học khi xưa sẽ theo đến suốt cuộc đời, giúp người ta đủ tự trọng khi biết từ chối một phong bì nhiều tiền, biết yêu thương khi cẩn thận đặt tờ tiền vào chiếc nón của người hành khất. Những điều ấy làm nên nhân cách con người. Những điều ấy, không tiền bạc nào có thể mua được...
Có biết bao nhiêu người trên đời này cứ hối hả bước đi, chợt một hôm dừng chân trên bước đường đời bươn chải, bỗng dưng thấy lòng chùng lại, rồi bâng khuâng tự hỏi: "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?"....
Trong lòng thầy cô mình, chắc ai cũng có lần trăn trở khi nghĩ đến lời nói chưa hay của học trò bị điểm kém, thái độ dằn dỗi chưa ngoan của học trò khi bị la mắng... Có lẽ, thầy cô đã từng tự hỏi lòng: "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?"...
Này em, em là hoa đẹp, là cỏ thơm. Nhưng đôi khi em cũng là gió. Có bao giờ em quên đi ánh mắt nghiêm khắc của thầy từng làm em sợ hãi, quên đi lời trách móc của cô, quên đi tiếng gõ thước vô tình chạm mạnh làm bàn tay thơ dại của em đau, để nghĩ về những hạt bụi phấn đã lặng lẽ rơi cho hoa đẹp, cỏ thơm? Có bao giờ em nghĩ mình là gió, đôi khi vô tình cuồng nộ cuốn bụi phấn bay đi…
Hãy thử một lần ngoái nhìn lại trường mình, lớp mình, thầy cô mình, để thấy rằng ở nơi mình vừa rời xa vẫn là những hạt bụi phấn đang lặng lẽ rơi...