ThS. Nguyễn Thị Hồng Thủy- Bộ môn Xã hội học – Khoa KHXH&NV
1. Đặt vấn đề:
Có thể nói rằng, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn có một vị trí đặc biệt quan trọng. Khoa học xã hội và nhân văn chuyên nghiên cứu các qui luật hình thành, hoạt động và phát triển của con người và xã hội, mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người và môi trường tự nhiên và xã hội. Vì vậy, trong sự vận động của lịch sử và phát triển của đất nước, khoa học xã hội và nhân văn luôn đóng vai trò là trung tâm, nền tảng.
Những năm trở lại đây, chất lượng đào tạo sinh viên theo học các nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn có nhiều thay đổi tích cực. Các trường đại học có đào tạo nhóm ngành này không ngừng nâng cao chương trình đào tạo, áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại cho phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhưng có một thực trạng mà chúng ta phải nhìn nhận là nếu nhìn ra các nước Châu Á xung quanh và thế giới nói chung thì nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn lại khá tụt hậu. Trong đó, hoạt động dạy học ở các ngành xã hội và nhân văn lại cũng lại tỏ ra hạn chế và giảm sút sự quan tâm của người học so với các ngành khoa học mũi nhọn khác trong cùng một hệ thống giáo dục nước nhà như kinh tế, kỹ thuật, sinh học và nhất là tin học.
Một thực tế cho thấy, hầu hết các trường đại học đều đã có các chiến lược đổi mới giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vừa cập nhật vừa mang tính ứng dụng cao. Vì vậy, sinh viên sau khi ra trường đã đáp ứng cơ bản yêu cầu thực tế của công việc và số đông sinh viên sau khi ra trường đã tìm được những công việc ổn định. Tuy nhiên bên cạnh đó, sinh viên một số nhóm ngành trong đó nhiều nhất là nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn vẫn còn nhiều hạn chế và người học vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên ngành mà mình được đào tạo hay là tìm được những công việc để có thể ứng dụng những kiến thức đã được học.
Tốt nghiệp đại học nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn ra nhưng không ít tân cử nhân vẫn gian nan trên đường tìm việc hoặc tìm được việc làm nhưng không theo đúng chuyên ngành mình đã chọn. Tình trạng lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao là do giữa đơn vị đào tạo và nơi sử dụng lao động chưa gặp nhau hay chất lượng nguồn nhân lực có vấn đề hay là những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác dẫn đến việc ngày càng ít người học tìm đến nhóm ngành học khoa học xã hội và nhân văn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người học không còn yêu thích nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, trong đó nguyên nhân chủ yếu là nhóm ngành này chương trình học còn mang nặng lý thuyết, trừu tượng và gian nan trên đường tìm việc.
Theo thống kê của trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia năm 2001, số công chức của Việt Nam hiện nay có:
- 40% đủ năng lực, trình độ để đảm nhận tốt công tác.
- 20% là có thể hoàn thành được các công việc.
- 40% công chức còn lại là không đủ năng lực, yếu chuyên môn, cần phải thay thế [1]
Điều này cho thấy, hiệu quả giảng dạy còn yếu kém ở một số nhóm ngành mà khâu yếu nhất có thể là nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn. Để nâng cao chất lượng đào tạo của nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, có nhiều chiến lược và biện pháp khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là phải đào tạo ra được những sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Trong đó, người học khi tìm đến nhóm ngành khoa học xã hội, phải biết rõ ngành mà mình được đào tạo khi ra trường sẽ làm gì? Kiến thức mình đã học có ứng dụng vào thực tiễn trong công việc hay không? Tại sao người học hay tìm đến với những ngành học mà xã hội đang cần và dễ tìm công việc và nơi làm việc? Vậy sinh viên học nhóm ngành khoa học học xã hội sau khi ra trường có dễ dàng tìm kiếm công việc như một số nhóm ngành khoa học khác hay không?
Để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút người học tìm đến với nhóm ngành khoa học xã hội có rất nhiều biện pháp nhưng dưới góc độ bài viết này, theo tôi nên tổ chức dạy học bằng việc tham quan thực tế và thực hành nhiều hơn cho sinh viên nhóm ngành khoa học xã hội và nhân nhằm đào tạo ra những sản phẩm chất lượng, gắn lý luận và thực tiễn. Như vậy, hình thức tham quan thực tế và thực hành sẽ được đưa vào nội dung chương trình giảng dạy để trở thành một hình thức tổ chức dạy học (trong giờ dạy học chính khóa) đào tạo.
Từ trước đến nay, việc tổ chức tham quan thực tế và tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tuy đã được một số giảng viên đưa vào nội dung giảng dạy môn học của mình nhưng đó chỉ là tính sáng tạo trong giảng dạy môn học của giảng viên, chưa phải là qui định bắt buộc của nhà trường và khoa đào tạo. Chính vì việc tổ chức tham quan thực tế và thực hành là do đề xuất của chính giảng viên đứng lớp, giảng viên và sinh viên không được hỗ trợ nhiều về kinh phí tổ chức và thời gian thực hiện nên hiệu quả đem lại không cao. Một lý do khách quan nữa là thời gian tổ chức tham quan thực tế và thực hành môn học nếu quá dài sẽ ảnh hưởng đến thời gian học lý thuyết trên lớp, còn nếu thời gian thực tế và thực hành quá ngắn, thì sinh viên chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, vì làm gì có đủ thời gian để kịp ứng dụng lý thuyết đã học trên lớp vào buổi tham quan thực tế và thực hành.
Có thể nói, việc tổ chức dạy học của các trường đại học có nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn hiện nay chủ yếu là hình thức giảng dạy trên lớp. Với hình thức này đã góp phần vào việc thực hiện mục tiêu đào tạo nhân lực, tri thức có kiến thức nền tảng cho xã hội. Hình thức giảng dạy trên lớp đã giúp giảng viên và sinh viên có điều kiện sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại, phát huy được vai trò và sức sáng tạo của cả thầy và trò. Còn việc tổ chức tham quan thực tế ở nhiều trường, nhiều khoa có nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn chưa được coi là một hình thức tổ chức dạy học mà chỉ mới coi đây là nội dung bổ trợ theo kế hoạch chủ quan của mỗi trường hay là kế hoạch giảng dạy riêng của giảng viên. Có rất nhiều lý do để giải thích nguyên nhân này, một phần vì các trường chưa đưa tiết học tham quan thực tế và thực hành vào phần qui định đối với các môn học phải có tiết thực hành (hầu như hiện nay việc tổ chức thực hành là do giảng viên đề nghị), phần vì điều kiện kinh phí có hạn, và phần cũng vì quan niệm tham quan thực tế và thực hành chỉ là để giải trí, để giảm bớt căng thẳng, thay đổi không khí, ít người quan niệm rằng từ tham quan thực tế và thực hành sẽ nảy sinh sáng tạo – khám phá mới.
Tuy nhiên, việc đào tạo sinh viên trong bất cứ nhóm ngành nào, trong đó có sinh viên nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn chỉ có thể được coi là thành công trọn vẹn khi người học ra trường phải hoàn toàn tự tin với những kiến thức với ngành nghề mà mình đã được đào tạo. Trong đó, người học có thể được bố trí vào những công việc đúng với chuyên môn và năng lực mà mình đã được học. Mặc dù, bất cứ ai làm trong ngành giáo dục cũng biết và hiểu được điều này, nhưng để sinh viên có thể học đi đôi với hành, gắn lý luận với thực tiễn phải là một sự nỗ lực thay đổi của một hệ thống đào tạo, đặc biệt là sự thay đổi trong hình thức đào tạo ở các nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn. Chỉ khi nào làm được điều này, thì người học mới có thể thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn đối với sự phát triển lâu dài, nền tảng của một đất nước để tìm đến với các ngành học trong nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Cổ nhân có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Đó chính là một sự khẳng định rằng tham quan thực tế và thực hành là một hình thức tổ chức dạy học sinh động, nhất là đối tượng người học là nguồn tri thức nền tảng để phát triển đất nước.
Tôi có thể đưa ra một ví dụ về tầm quan trọng của tham quan thực tế và thực hành trong quá trình đào tạo cử nhân Xã hội học, một ngành thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trong chương trình đào tạo cử nhân Xã hội học, có rất nhiều môn học mà nếu sinh viên được tổ chức tham quan thực tế và thực hành nhiều thì khả năng xin được việc làm, ứng dụng được kỹ năng chuyên môn vào công việc thực tế là rất cao.
Tôi có thể kể hàng loạt các môn học cần rất nhiều kỹ năng thực tế như Phương pháp nghiên cứu, tin học chuyên ngành, thực hành phương pháp nghiên cứu, Công tác xã hội, An sinh xã hội, Phát triển cộng đồng, Quản lý dự án, Xã hội học tội phạm, Xã hội học đô thị, Xã hội học nông thôn…Đơn cử như môn học Phương pháp nghiên cứu, Tin học chuyên ngành, Thực hành phương pháp nghiên cứu, nếu các môn học này sinh viên sinh viên được xuống các trung tâm nghiên cứu tham gia vào một dự án nghiên cứu cụ thể tại viện nghiên cứu thì sinh viên hoàn toàn có điều kiện ứng dụng các lý thuyết đã được giảng viên truyền đạt vào đề tài cụ thể.
Sau nhiều năm làm việc tại khoa, tôi đã nhận thấy rằng, nếu một cử nhân Xã hội học nào trong quá trình học đại học tại trường được tham gia nhiều vào công việc nghiên cứu cụ thể tại địa bàn đều có được những công việc tốt, phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Tuy nhiên, tôi rất tiếc là những sinh viên may mắn như vậy thì không nhiều. Bởi lẽ, các giảng viên tham gia giảng dạy đều ý thức được tầm quan trọng của vấn đề tham quan thực tế và thực hành trong việc đào tạo cử nhân Xã hội học nhưng vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau như kinh phí, chương trình học chưa bắt buộc, nhân lực, tìm địa chỉ để sinh viên tham quan và thực hành…nên vấn đề tham quan thực tế và thực hành vẫn là mong muốn và ước mơ của rất nhiều sinh viên học ngành Xã hội học.
2. Giải pháp
Trên cơ sở bài viết này, tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức việc tham quan thực tế và thực hành cho sinh viên thuộc nhóm ngành khoa học nhân văn nhằm thu hút người học tìm đến nhiều hơn với nhóm ngành này.
2.1 Về phía các nhà xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu.
Các nhà tham gia viết chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu cho sinh viên nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn cần đưa nội dung tham quan thực tế và thực hành vào chương trình khung cơ bản, coi đó là một trong những nội dung bắt buộc phải thực hiệ trong quá trình giảng dạy môn học. Trong đó, giảng viên và sinh viên trước khi tổ chức tham quan thực tế và thực hành phải có kế hoạch cụ thể, phân bổ thời gian và khái quát nội dung phải thực hiện.
Việc xây dựng chương trình đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu thực tế xã hội về sản phẩm mà trường mình đào tạo. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình phải là chương trình mở, nhằm tạo điều kiện cho các trường vận dụng, xây dựng kế hoạch tham quan thực tế và thực hành phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và điều kiện cụ thể của từng trường để việc tổ chức tham quan thực tế và thực hành không vượt quá nguồn kinh phí đào tạo của trường. Ngoài ra, việc xây dựng chương trình mở còn tạo điều kiện cho từng trường chủ động trong việc lập kế hoạch về thời gian thực hiện, kinh phí tổ chức, dự toán kinh phí cho từng khoa đào tạo.
Bên cạnh đó, giáo trình và tài liệu phục vụ cho việc dạy và học các nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn phải có sự đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển của văn hóa – xã hội. Nguồn tài liệu phải phong phú, có bổ sung nhiều kiến thức thực tiễn để người học nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn có điều kiện ứng dụng những kiến thức lý luận vào thực tiễn cuộc sống.
2.2 Về phía nhà trường và khoa có đào tạo nhóm ngành khoa khoa học xã hội nhân văn
Nhà trường và khoa đào tạo nên tiếp tục phát huy những hình thức đào tạo sáng tạo và hiệu quả. Việc giảng dạy phải kết hợp chặt chẽ giữa dạy học trên lớp và tham quan thực tế, thực hành nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo ra những con người có đủ trình độ nhận thức lý luận và vận dụng được kiến thức chuyên môn vào thực tiễn cuộc sống.
Nhà trường và Khoa đào tạo cần coi việc đưa nội dung tham quan thực tế và thực hành là một phần nội dung giảng dạy không thể thiếu trong chương trình dạy học cho sinh viên các nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn. Vì vậy, việc thực hiện phải đồng bộ, có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, khoa đào tạo và giảng viên đứng lớp, sinh viên tham gia học.
Nhà trường phải lên kế hoạch cụ thể về dự trù kinh phí cho việc tổ chức tham quan thực tế và thực hành. Ngoài ra, nhà trường có thể áp dụng hình thức đó là nhà trường và người học cùng làm để giảm bớt gánh nặng kinh phí cho nhà trường.
Nội dung tham quan thực tế phải gắn với nội dung môn học cụ thể, không xa rời lý luận của môn học. Địa điểm tổ chức thực tế, thời gian tổ chức tham quan thực tế phải phù hợp, phục vụ cho mục đích dạy học của môn học đó. Sau khi kết thúc việc tham quan thực tế, phải có kết quả đánh giá cụ thể cả và nhận thức, kỹ năng và cả cảm nhận, thái độ của sinh viên sau chuyến tham quan thực tế và thực hành.
Tóm lại, theo yêu cầu thực tiễn của một xã hội hiện đại, việc dạy học cho sinh viên các nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn phải có sự đa dạng về hình thức đào tạo, phong phú về nội dung, gắn lý luận với thực tiễn. Hình thức dạy học tổ chức cho sinh viên tham quan thực tế và thực hành sẽ đem lại hiệu quả thiết thực nếu như chúng ta thực hiện nó đúng hướng, đúng mục tiêu, phù hợp với chuyên môn mà người học đang theo học. Các cơ sở đào tạo chỉ thật sự hiệu quả khi sản phẩm mà mình đào tạo đáp ứng được yêu cầu của xã hội, khi người học có thể ứng dụng kiến thức chuyên ngành mà mình đã được học vào công việc thực tế. Mặt khác, khi sản phẩm đào tạo của mình có chất lượng thì xã hội sẽ nhìn nhận đúng vị trí, vai trò của nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn đối với sự phát triển lâu dài, nền tảng của một quốc gia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Http//www.sggp.org.vn, bài: “Sinh viên mới ra trường gian nan tìm việc”.
- Http//www.hieuhoc.com, bài: “Sinh viên đi thực tế, thực tập cần chẩn bị những gì?”
- Http//www.tintuconline, bài: “Thực tế, thực tập – Bước đệm cho công việc tương lai.”
- Trần Thị Trâm, Chất lượng và hiệu quả dạy học các môn học khoa học xã hội và nhân văn ở các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp, Phân Viện báo chí và tuyên truyền, trang 75, nhà xuất bản Lý luận chính trị.
- Vũ Thị Hà Thành, Quan hệ giữa đổi mới phương pháp dạy – học đại học hiện đại với đổi mới nội dung, chương trình các môn học khoa học xã hội và nhân văn, Phân Viện báo chí và tuyên truyền, trang 84, nhà xuất bản Lý luận chính trị.
[1] Trung tâm KHXH và NV quốc gia, chiến lược xây dựng và phát triển KHXH và NV Việt Nam đến năm 2002 và chiến lược phát triển trung tâm KHXH và NV quốc gia 2010.